Con yêu dấu…

Ngày nào con thấy cha mẹ quá già, thì con cố nhẫn nại và thông cảm cho cha mẹ. Nếu cha mẹ ăn uống đổ lên đổ xuống…Nếu cha mẹ mặc đồ khó khăn…con hãy nhẫn nại!. . . Hãy nhớ lại số thì giờ mà cha mẹ đã bỏ ra để dạy cho con biết bao điều khi con còn thơ.

Nếu cha mẹ cứ nói đi nói lại mãi một điều. Hãy cố lắng nghe! Khi con còn bé, con vẫn muốn cha mẹ đọc lại mãi một chuyện, từ đêm này sang đêm kia, cho đến khi con thiếp ngủ. Và cha mẹ đã chiều con…

Nếu cha mẹ không còn siêng năng tắm rửa như trước, thì đừng la rầy cha mẹ và nói rằng như vậy là điều nhục nhã. Hãy nhớ lại cha mẹ phải tìm ra bao nhiêu sáng kiến để cho con chịu tắm lúc con còn bé thơ.

Nếu thấy cha mẹ không biết gì về những công nghệ mới, thì đừng chế nhạo cha mẹ, mà để từ từ cho cha mẹ hiểu ra. Cha mẹ đã dạy con biết bao nhiêu điều… dạy ăn… dạy mặc… dạy đối xử… dạy phương cách cho con đương đầu với cuộc sống…

Nếu thỉnh thoảng cha mẹ quên đi điều gì hay không theo kịp điều con nói… thì để cho cha mẹ đủ thì giờ mà nhớ lại… và nếu cha mẹ không nhớ ra, thì đừng cau có cằn nhằn… bởi vì điều quan trọng nhất đối với cha mẹ là được ở cạnh con và nói chuyện với con thôi. Hãy cố hiểu rằng đến một tuổi nào đó, người ta không còn thực sự sống nữa, nhưng chỉ tồn tại mà thôi.

Một ngày kia, con sẽ hiểu rằng, mặc cho bao nhiêu sai lầm, cha mẹ lúc nào cũng muốn điều tốt đẹp nhất cho con và đã chuẩn bị tương lai để con sống cuộc sống trưởng thành.

Con đừng buồn, khổ hay bối rối trước tuổi già và thể trạng của cha mẹ. Con cứ ở cạnh cha mẹ, gắng hiểu lối sống của cha mẹ, và cố gắng hết sức mình như cha mẹ từng cố gắng hiểu con ngày con mới ra đời.

Hãy giúp cha mẹ bước đi… giúp cha mẹ hoàn tất cuộc đời với tâm tình yêu thương và nhẫn nại. Cách duy nhất để cha mẹ còn có thể cám ơn con, ấy là nở với con một nụ cuời kèm với cả yêu thương.